Khái niệm Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu là gì?, những tiêu chuẩn kỹ thuật cho mặt hàng này ra sao cho từng thị trường cà phê xuất khẩu là những điều mà các đối tác xuất khẩu cà phê tìm kiếm mỗi khi có bạn hàng tìm hiểu mua sản phẩm, tuy nhiên những thông tin này chưa được chia sẻ rộng rãi và không có tính hệ thống trong khi Việt Nam được biết đến như một trong những cường quốc xuất khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới với hơn 90% sản lượng cà phê là dành cho xuất khẩu đem về kim ngạch xuất khẩu hàng năm ước đạt 2,7 tỷ USD (2020).
Các tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu:
Nhằm giúp cho các đối tác môi giới xuất khẩu có được cái nhìn tổng quan về thị trường cà phê và đặc biệt là các bạn bên ngoài ngành muốn tìm hiểu và nắm bắt nhanh nhất về các Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu để các bạn tương tác và phục vụ ngay với đối tác nhập khẩu của mình. Với kinh nghiệm là nhà xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ và Nhật Bản trong hơn 3 năm qua, RiO Coffee And More xin chia sẻ chi tiết cùng bạn trong bài viết này nhé!
Trước khi đi vào chi tiết từng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu cho từng thị trường thì chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về thị trường cà phê xuất khẩu trước nhé.
Tổng quan về thị trường cà phê xuất khẩu:
Năm 2020 Việt Nam xuất khẩu ước đạt trên 1,7 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 18% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê toàn cầu. Cà phê là một trong danh sách 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam và là 1 trong 6 sản phẩm có giá trị xuất khẩu hàng năm đạt trên 3 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu cà phê nhân xanh chiếm đại đa số, cà phê chế biến sâu như cà phê rang xay, cafe hòa tan dành cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu mới chỉ đạt 12%.
Các phân khúc thị trường cà phê xuất khẩu
Hiện nay thị trường cà phê xuất khẩu được chia làm 3 phân khúc liên quan và hình thành nên những tiêu chuẩn tương đối rõ rệt đó chính là:
Thị trường cà phê đặc sản (Specialty Coffee):
Đây là một thị trường ngách, mới nổi trong thời gian gần đây và đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường này được định nghĩa và chi phối bởi yếu tố điểm chất lượng thử nếm của lô hàng xuất khẩu, cà phê được công nhận là đặc sản khi có điểm thử nếm từ 80 điểm trở lên (trên thang điểm cao nhất là 100 điểm) bởi các chuyên gia có chứng chỉ hành nghề thử nếm chất lượng. Hệ thống tiêu chuẩn này được vận hành và chi phối bởi Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới Specialty Coffee Association (SCA), Viện quản ly chất lượng cà phê – Coffee Quality Institute (CQI) hoặc các thành viên thuộc ủy quyền từ 2 tổ chức này.
Thị trường cà phê chất lượng cao (Premium Coffee):
Là thị trường cà phê có chọn lọc, bước đầu chất lượng cà phê được chú trọng trong sản xuất, thu hái và chế biến tuy nhiên chưa đạt được ngưỡng chất lượng cà phê đặc sản như được mô tả bên trên, có điểm chất lượng thử nếm dao động trong khoảng 70 – 79 điểm. Tại Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây xuất hiện những mô hình Liên minh nông dân chế biến cà phê chất lượng cao, có khả năng chuyên môn, năng lực sản xuất và số lượng lớn để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng mở rộng của phân khúc này. Thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra còn có một số tên gọi, phân loại khác về thị trường cà phê trong phân khúc này như cà phê có chứng nhận bền vững (Fairtrade, Rainforest, 4C, UTZ, Bird Friendly, Shade-grown …), Cà phê hữu cơ Organic, Cà phê dành cho người sành ăn Gourmet …
Thị trường cà phê thương mại (Commodity Coffee):
Là thị trường cà phê lớn nhất hiện tại, đa phần các khách hàng nhập khẩu, nhà rang xay sẽ tìm đến Việt Nam để thu mua dòng sản phẩm này, tất nhiên đi kèm với đó là mức độ cạnh tranh khốc liệt. Giá cà phê thương mại trên thị trường được liên thông với thị trường cà phê thế giới thông qua 2 sàn giao dịch cà phê Arabica và Robusta, đây là cuộc chiến của giá cả, số lượng, điều khoản thanh toán và thời gian giao hàng. Nhược điểm lớn nhất của thị trường này đó chính là do cơ sở đánh giá chất lượng dựa trên cảm quan màu sắc và tỷ lệ hạt lỗi, chưa chú trọng đến chất lượng hương vị thử nếm nên dẫn đến tình trạng chất lượng có thể không đồng nhất giữa các lô hàng.
Như vậy, tùy theo yêu cầu của khách hàng nhập khẩu mà chúng ta sẽ có những tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu tương ứng với từng phân khúc của thị trường. Sẽ rất khó để các nhà sản xuất, nhà chế biến chào giá cà phê xuất khẩu cho bạn khi họ chưa nắm rõ được điều này.
Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu nhân xanh (Green Coffee) Việt Nam:
Tiêu chuẩn này áp dụng cho 2 loại cà phê chính của Việt nam bao gồm cà phê chè (Arabica) và cà phê vối (Robusta). Văn bản Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu TCVN 4193:2014 do Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối và Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố có hiệu lực trên toàn quốc.
Trước khi đi sâu vào hệ thống phân loại chất lượng cũng như tiêu chuẩn, các bạn có thể tham khảo lược đồ quy trình sản xuất cà phê nhân tại các nhà máy trong hình mô tả dưới đây nhé.
Phân hạng chất lượng cà phê nhân:
Cơ sở để phân hạng chất lượng cà phê nhân sẽ dựa trên việc xác định tỷ lệ các hạt lỗi, khuyết tật theo phương pháp cộng các điểm và chia trung bình cho khối lượng mẫu, đồng thời xác định kích thước lỗ sàng (sàng 18, 16, 13) của hạt cà phê nhân thông qua hệ thống máy móc chuyên dụng để phân loại Hạng 1 (Grade 1), Hạng 2 (Grade 2), Hạng 3 (Grade 3) tương ứng như bảng mô tả bên dưới:
Đi sâu hơn vào chi tiết sẽ có phần quy định về Tỷ lệ khối lượng khuyết tật (nhân lỗi (defect), tạp chất (foreign matter) tối đa cho phép đối với từng hạng cà phê; và tỷ lệ khối lượng tối đa cho phép đối với một số khuyết tật (đen, nâu, sâu, non, vỡ …) như bảng mô tả bên dưới:
Để nắm rõ chính xác các tiêu chuẩn này, các bạn căn cứ vào bảng TCCN … download tại đây:
Tiêu chuẩn cà phê arabica xuất khẩu
Căn cứ theo bảng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu nhân bên trên, tuy nhiên lưu ý thêm 2 phương pháp chế biến phổ biến mà khách hàng thường hỏi là arabica Wash/Fully wash (chế biến ướt) và unWash
Tiêu chuẩn cà phê Robusta xuất khẩu
Căn cứ theo bảng tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu nhân bên trên, tuy nhiên lưu thêm 2 phương pháp chế biến phổ biến mà khách hàng thường hỏi là: Wet polish, Clean, Standard (G1, G2, G3) …
5 tiêu chuẩn phổ biến trong các hợp đồng xuất khẩu cà phê bao gồm:
• Độ ẩm (M – Moisture): nhỏ hơn hoặc bằng 12,5%
• Tỷ lệ nhân lỗi hạt đen, vỡ (BB – Black& Broken beans): 2% max
• Tỷ lệ tạp chất (FM – Foreign Matter): 0.5 % max
• Quy cách đóng gói, bảo quản (Packaging): bao PP hoặc Jute bag – 60kg
• Khối lượng: 1 container 20ft (19,2 tấn)
Và khi nói đến đây thì thì bạn các cũng đã hiểu rằng Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu loại 1 chính là tiêu chuẩn cao nhất đối với phân khúc cà phê thương mại. Những tiêu chuẩn này áp dụng cho cà phê nhân xuất khẩu cũng chính là tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào tương ứng cho các nhà rang xay xuất khẩu.
Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu sang Mỹ
Bên cạnh những rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu như mô tả bên trên. Theo luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ, cứ 2 năm một lần, các đơn vị xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Mỹ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) để được cấp mã số mới.
Có 3 mối nguy quan trọng mà các mặt hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam thường gặp là: mối nguy về sinh học (bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh); mối nguy về hóa học (phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân hủy thực phẩm, phụ gia, chất tạo màu không được sử dụng, các chất gây dị ứng thực phẩm); mối nguy vật lý (nhiễm bẩn thủy tinh hoặc kim loại);
Một số giấy phép yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu gồm có: HACCP, GAP, FDA …
Tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê sang Châu Âu
EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Đức vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê của Việt Nam trong khối EU. Năm 2019, quốc gia này nhập khẩu gần 367 triệu USD cà phê Việt Nam. Sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này.
Tiêu chuẩn phổ biến thường được yêu cầu là khi xuất khẩu là chứng nhận Global Gap: Global Gap: Tiêu chuẩn cà phê xanh bao gồm: Nguyên liệu nhân giống, Lịch sử lập địa và quản lý địa điểm, Quản lý đất và chất nền, Sử dụng phân bón, Tưới / bón phân, Bảo vệ thực vật, Thu hoạch, Chế biến (áp dụng cho xay xát tại chỗ hoặc thuê ngoài), Quản lý chất thải và ô nhiễm, Tái chế và Tái sử dụng, Môi trường và Bảo tồn cũng như Sau Thu hoạch – Cân bằng Khối lượng và Truy xuất nguồn gốc.
Tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản
Nhật Bản nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam bên cạnh Đức, Mỹ, Ý và Tây Ban Nha. Hầu hết cà phê hạt của Việt Nam là Robusta, nhờ hương vị mạnh, thơm nồng và giá rẻ, cà phê robusta của Việt Nam đang thiết lập sự hiện diện vững chắc tại thị trường Nhật Bản. So với loại Arabica của Brazil có vị ngọt, nhẹ và giá thành cao hơn, loại Robusta của Việt Nam cho vị cà phê đậm hơn và đôi khi hơi đắng. Thị phần cà phê Robusta tăng là do nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản muốn thử vị cà phê ngon và có giá thành thấp này.
Tiêu chuẩn Global Gap và hữu cơ Organic được các nhà nhập khẩu từ Nhật Bản yêu cầu khi mua cà phê xuất khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên tùy theo từng khách hàng riêng biệt, sự khác nhau về văn hóa ngôn ngữ sẽ có những yêu cầu khắt khe khác nhau đặc biệt chú trọng đến tính cam kết, quy trình sản xuất và kèm theo đó là uy tín của đối tác.
Tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc
Trước đây Trung Quốc được xem là thị trường tương đối dễ tính và nhập khẩu số lượng lớn cà phê từ Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đang từng bước chuẩn hóa và siết chặt các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc bao gồm Yêu cầu mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến, sơ chế, cà phê nhân, cà phê rang xay nguyên chất … , mỗi thương nhân sẽ không thể chậm trễ đăng kí với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc trước khi được phép xuất khẩu vào thị trường này.
Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Bạn có thể tìm hiểu thêm chi tiết nếu như thị trường xuất khẩu chính của bạn là Trung Quốc nhé!
Kết luận:
Trên đây RiO Coffee And More đã mô tả rất chi tiết về hệ thống Tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu áp dụng cho các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó phân định rõ 2 hệ thống yêu cầu là theo xếp hạng thang điểm chất lượng (đối với cà phê chất lượng cao, đặc sản) và theo giấy phép xuất khẩu (đối với cà phê thương mại). Hi vọng rằng RiO Coffee And More đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quát về thị trường cà phê xuất khẩu giúp bạn dễ dàng phục vụ đối tác, khách hàng nhập khẩu.
RiO Coffee And More tự hào là nhà sản xuất, chế biến cà phê nhân, cà phê rang xay theo tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu, bước đầu thâm nhập thị trường Mỹ và Nhật, Chúng tôi rất mong được là đối tác tin cậy của bạn. Cần thêm bất cứ thông tin hỗ trợ xuất khẩu, báo giá sỉ phân phối cho các quán cà phê, doanh nghiệp khởi nghiệp, bạn cứ liên hệ với chúng tôi nhé. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn!
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn và dựa trên kinh nghiệm xuất khẩu, kiến thức của chính tác giả. Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi bạn chia sẻ thông tin này. Xin cảm ơn các bạn!